Một câu chuyện được kể bình thường với một câu chuyện hay sẽ khác nhau ở giọng nói của người kể chuyện. Chúng ta sẽ chú ý vào bốn yếu tố về giọng nói trong công thức 4P sau đây:
- Pace – Tốc độ nói: Phần nào trong câu chuyện thì sẽ nói nhanh, phần nào nói chậm, phần nào nói bình thường. Gợi ý: Những phần thể hiện cảm xúc buồn, chúng ta nên kể chuyện chầm chậm, giúp người nghe tham gia vào câu chuyện, giúp người kể có khoảng lặng để thổi cảm xúc của mình vào trong đó. Những phần kêu gọi hành động, chia sẻ thông điệp câu chuyện thì giọng nói cần mạnh mẽ hơn, thể hiện sự tin tưởng vào lời kêu gọi hành động.
- Pause – Khoảng dừng: Một câu chuyện hay thì luôn có khoảng dừng đúng chỗ và hợp lý. Kể chuyện không phải là đọc hoặc nói liên tục như trình bày báo cáo! Khoảng dừng sẽ giúp lấy cảm xúc của khán giả, tạo sự tò mò hồi hộp khi nghe câu chuyện. Khoảng dừng cũng là cách giúp người kể chuyện làm chủ mạch cảm xúc và giọng nói của mình. Tùy theo tình huống và nội dung chuyện, khoảng dừng có thể dao động trung bình trong ba giây. Có một số trường hợp đặc biệt, khoảng dừng có thể lên tới bảy giây.
Sử dụng thành thạo khoảng dừng sẽ giúp bạn loại bỏ những từ thừa không cần thiết như “ừm”, “ờ”… Khoảng dừng cũng là cơ hội rất tốt để khán giả lắng đọng và suy ngẫm.
- Pitch – Độ cao: Ở một số câu chuyện, để thu hút người nghe, người kể chuyện sẽ thay đổi tông giọng và đẩy lên cao hơn. Độ cao này thể hiện rõ nét ở những phần câu hỏi. Hoặc ở những từ khóa đặc biệt của câu chuyện.
- Projection – Độ xa: Khi kể chuyện trong một không gian rộng, người kể sẽ luyện tập khả năng nói giọng bụng để tạo khoảng xa trong giọng nói, tạo độ vang để những người ngồi phía cuối khán phòng vẫn nghe thấy. Độ xa sẽ tạo điểm nhấn tốt khi kể những câu chuyện truyền động lực hoặc tạo cảm hứng cho người nghe.