Thị trường xuất hiện vị trí công việc mới, Giám đốc kể chuyện, Chief of Storyteller.
Giám đốc kể chuyện (CSO), họ là ai?
Ngày xửa ngày xưa, ở cái thuở mà sự tồn tại của doanh nghiệp chỉ xoay quanh 2 chữ “sản phẩm”, thì họ cần phải xây dựng một đội ngũ nhân viên từ bán hàng, tiếp thị, quảng cáo rồi đến PR và truyền thông để mở rộng và phát triển. Mọi thứ cứ thế diễn ra suôn sẻ với những doanh nghiệp vận hành và quản trị tốt.
Đến một ngày, doanh nghiệp dần nhìn nhận ra được bản chất hoạt động mà họ đang làm bấy lâu nay: Đó chính là kể chuyện để thu hút nhân viên và khách hàng. Và những người đã và đang tham gia vào quá trình xây dựng doanh nghiệp đều đóng vai trò của một người kể chuyện. Từ đó, vị trí mà ngày nay đang trở thành xu thế, Giám đốc kể chuyện (CSO), được ra đời.
Nhưng chính xác thì vai trò Giám đốc kể chuyện gì? Trên LinkedIn hiện có đến gần 10,000 kết quả tìm kiếm liên quan đến chức danh “người kể chuyện”. Dù con số này còn khá khiêm tốn so với 700.000 chức danh “nhà văn” được tìm thấy, nhưng…… Đây không phải một vị trí hoàn toàn mới. Nike đã tuyển dụng chức danh giám đốc kể chuyện từ những năm 90. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng công khai thừa nhận rằng nghệ thuật kể chuyện từ lâu đã ngấm sâu vào trong văn hóa của họ, ngay cả khi điều này chỉ là một kế hoạch marketing nhằm bắt kịp xu hướng thị trường. Vì vậy, vị trí Giám đốc kể chuyện sẽ dần được nhìn nhận và chú trọng hơn trong tương lai
Về lý thuyết, Giám đốc kể chuyện, theo ông Jordan Bower, là người chịu trách nhiệm về việc “xây dựng một mạch truyện thống nhất từ thông điệp nội bộ, câu chuyện tiếp thị cho đến cách thuyết phục khách hàng đón nhận sản phẩm”. Tương tự như một câu chuyện, vai trò Giám đốc kể chuyện có thể được diễn giải dưới rất nhiều góc độ. Bên dưới là chia sẻ Giám đốc kể chuyện hàng đầu thế giới về công việc đặc biệt của họ và vì sao kỹ năng này cần có đối với các lãnh đạo và quản lý cấp cao trong doanh nghiệp.
Steve Clayton, giám đốc kể chuyện của Microsoft: Câu chuyện từ công ty đa quốc gia “truyền thống”
Từ trước đến nay, khi nhắc đến cái tên “Microsoft”, mọi người thường nghĩ đến một số từ khóa nhất định như phần mềm, Bill Gates, công nghệ cũ hoặc một tập đoàn lớn. Đây chính là điều mà Steve Clayton cùng cộng sự của ông đang ra sức thay đổi để người dùng có góc nhìn đúng đắn hơn về sự phát triển của Microsoft.
Trên cương vị Giám đốc kể chuyện, Clayton đang cố gắng xóa bỏ nhận thức của khách hàng về một Microsoft với những công nghệ cũ kỹ, mà thay vào đó là các nền tảng, phần mềm làm thay đổi thế giới. Ông cảm thấy vô cùng tự hào về tác động mà Microsoft đã mang đến cho cộng đồng. Chẳng hạn như việc doanh nghiệp này đã triển khai công nghệ gia tăng 30% năng suất cây trồng cho nông dân Ấn Độ, hay chức năng dịch của Skype đã giúp ông lần đầu tiên có thể giao tiếp với mẹ vợ người Trung Quốc của mình.
Ông chia sẻ: “Khi ra mắt Windows 10, thường chúng tôi sẽ có những buổi ăn mừng thật hoành tráng, nhưng thay vì vậy, chúng tôi muốn đánh dấu ngày hôm đó bằng việc thực hiện sứ mệnh của mình, cụ thể là mang đến một nền tảng công nghệ mới để các cá nhân và tổ chức có thể ứng dụng và vươn xa hơn nữa. Chúng tôi quyết định đi đến một ngôi làng ở Kenya để cùng chia vui với một vài doanh nghiệp địa phương, những người đầu tiên góp công trong việc mang Wifi về cho làng. Mục tiêu của ngày hôm đó là để ăn mừng vì những lợi ích mà công nghệ đã mang đến cho 30,000 người dân tại đây, hơn là vì chuyện ra mắt sản phẩm mới. Đôi khi, chúng ta rất dễ đắm chìm vào cảm giác hân hoan sau một chiến dịch hay sản phẩm thành công, nhưng niềm vui sướng sẽ còn tăng lên gấp bội nếu chúng ta thực sự nghe và chứng kiến được tác động mà những sản phẩm này mang lại cho cộng đồng.
Đó là sức mạnh của nghệ thuật kể chuyện trong kinh doanh. Từ một kỹ sư máy tính ở thành phố Reading tại Anh, Clayton đã chia sẻ chuyến hành trình của mình tại Microsoft trên blog cá nhân, sau khi được lựa chọn để trở thành Giám đốc kể chuyện, một công việc trong mơ, tại trụ sở chính ở Seattle. (Anh cũng đã kể lại câu chuyện đó trong chương trình TED Talk.) Ngay lúc này, Clayton có lẽ đang đứng trên sân khấu cùng với CEO trong buổi ra mắt công nghệ mới, hoặc cũng có thể đang tất bật với công việc quản lý Microsoft Stories Lab, nơi được xem như là một trong những trung tâm sáng tạo nội dung lớn nhất trên thế giới.
“Có thể nói, thách thức lớn nhất chính là phải luôn đáp ứng các tiêu chí khắt khe của một câu chuyện hay”, Clayton chia sẻ. Cách đây khoảng 4 năm, khi đội ngũ của ông đăng tải câu chuyện đầu tiên có tên ‘88 Acres’ trên trang web, thì mục tiêu lúc đó nhằm để thử nghiệm xem liệu các nhóm khác có thể hiểu và đồng cảm được với câu chuyện này hay không. Điều bất ngờ là có rất nhiều nhóm đã đến và nói rằng họ cũng muốn kể một câu chuyện như vậy. Thậm chí, có nhóm còn muốn tạo nên một câu chuyện riêng cho sản phẩm. Khi đó, Clayton đã đáp: “Được thôi! Mọi người đã có ý tưởng nào về nhân vật, người hùng, hành trình và nút thắt chưa? Bởi vì đó là những yếu tố cốt lõi của một câu chuyện hấp dẫn người đọc.” Thế nhưng, tất cả những gì họ có chỉ là dừng lại ở “mong muốn một câu chuyện hay”. Có thể thấy rằng, ai cũng thích đọc những mẩu chuyện với cốt truyện hay, hình ảnh lung linh và có khả năng tương tác trên website, nhưng họ lại không biết được cách để làm nên một câu chuyện lôi cuốn. Điều này cũng giống như khó khăn ông đã đề cập: Một câu chuyện chất lượng đúng nghĩa cần phải đáp ứng được những tiêu chí khắt khe.”
Hình thức kể chuyện trong Microsoft giờ đây đã phát triển đến mức đội ngũ của Clayton vẫn đều đặn tổ chức hội nghị kể chuyện hằng năm. Riêng năm nay, họ đã bán sạch 450 vé nội bộ trong chưa đầy một tiếng. Yếu tố kỷ luật và nghệ thuật kể chuyện đã trở thành một phần không thể thiếu với cách vận hành của Microsoft.
Ông nói thêm: “Tôi nghĩ khách hàng ngày càng muốn biết nhiều hơn về doanh nghiệp. Họ sở hữu một thứ mà tôi gọi là mong muốn thời hậu Enron và yêu cầu doanh nghiệp phải minh bạch hơn. Do đó, rất nhiều công ty, không chỉ riêng Microsoft đã dựa vào tâm lý này của khách hàng để mang đến những câu chuyện đầy thẳng thắn. Hiện tại, ngành truyền thông đang trong giai đoạn chuyển đổi khi doanh nghiệp dần chú trọng nhiều hơn về các câu chuyện mang tính thời sự. Vì vậy, chúng tôi không nhất thiết phải đặt ra tiêu chuẩn cho các câu chuyện được chia sẻ trên những kênh truyền thông đối tác thông thường, mà chủ yếu là khi kể về chính bản thân. Thêm vào đó, theo khảo sát của Edelman Trust Barometer, nhân viên sẽ luôn là người có phản ánh chân thật nhất đối với doanh nghiệp.
“Ở thời điểm hiện tại, chúng ta đang bị tác động bởi rất nhiều nguồn tin khác nhau. Mọi người đang dần quay lại với hình thức đọc báo giấy hay một số phương tiện mà họ có thể đắm chìm trong cảm xúc, như nghe đĩa than hoặc podcast. Tôi cho rằng đây là dấu hiệu của phản ứng trốn chạy trước những yếu tố khiến cho sự tập trung của chúng ta bị thay đổi liên tục.”
“Đó lý do tại sao chúng tôi thành lập nên mục Stories. Chúng tôi tin rằng ngoài kia vẫn còn những người thích đọc chuyện, và chúng tôi thì luôn có những câu chuyện hay để chia sẻ. Đây vẫn là một cách truyền thông điệp hữu hiệu từ xưa đến nay. Không ai hẹn nhau ở quán café rồi nói: “Tôi sẽ cho anh xe một số dữ liệu.”, mà thay vào đó là, “hôm nay tôi mới xem một bộ phim hay cuốn sách hay lắm hoặc “hôm nay tôi mới gặp chuyện này hay người này.” Những câu chuyện như vậy sẽ được thêu dệt dưới những bánh xe lăn kính khác nhau rồi được kể lại, nên đó là lý do tại sao một số câu chuyện vĩ đại nhất vẫn còn trường tồn mãi theo năm tháng.
Kể câu chuyện của riêng bạn
Trong quá trình trò chuyện với các chuyên gia kể chuyện ở trên, có một từ được lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Đó cũng chính là kỹ năng cố lõi hay mảnh tri thức mà họ muốn truyền lại dành cho những ai muốn theo đổi vai trò này. Như Steve Clayton đã chia sẻ: “Mọi thứ bắt nguồn từ sự tò mò. Chỉ đơn giản là như vậy.”
Vậy Giám đốc kể chuyện lài ai? Không phải mọi người kể chuyện đại tài đều là một nhà văn xuất chúng. Đôi khi, họ là những nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia hoặc nhà quay phim tài liệu tài ba. Hay thậm chí, họ chỉ là những người khéo ăn khéo nói trước công chúng. Tuy nhiên, yếu tố mà tất cả các bậc thầy kể chuyện đều sở hữu chính là sự tò mò bẩm sinh với mong muốn đào sâu vấn đề, câu chuyện để tìm kiếm chi tiết phức tạp nhưng đủ tinh xảo để lôi cuốn người nghe. Họ tách biệt khỏi dòng chảy của cuộc sống để đi tìm những điều nhỏ bé phi thường.
Vì thế, hãy cứ đặt ra những câu hỏi vì sao, rồi chia sẻ những câu chuyện về chúng, và cả về nghệ thuật kể chuyện. Các doanh nghiệp trên thế giới đều tin rằng những câu chuyện xuất sắc phải xuất phát từ nội dung hoàn hảo. Vậy thì bạn đã sẵn sàng trở thành một phần trong cuộc cách mạng này chưa?
Cùng khám phá top 5 CSO hàng đầu chia sẻ về công việc của Giám Đốc Kể Chuyện của họ [E- book: Giám đốc kể chuyện là ai]
(Nguồn bài viết: Lauren McMenemy đăng trên Skyword vào ngày 22.03.2018
Dịch: ICTS Training & Coaching)